“Mẹ mua rất nhiều thứ cho chồng con, nhưng áo khoác lông mà mẹ thích chỉ được lưu trong giỏ hàng, thứ duy nhất bà mua cho mình là 1 chiếc khăn lụa màu hồng nhạt, và rồi bà dùng chính nó để treo cổ tự vẫn trong phòng tắm.” – Câu chuyện về 1 bà mẹ mắc bệnh trầm cảm khiến người ta không khỏi xót xa.
Trong y học, nguyên nhân chính của chứng trầm cảm là do rối loạn chất dẫn truyền thần kinh. Bước vào giai đoạn mãn kinh, dưới áp lực cuộc sống và vị trí xã hội đặc trưng, rất nhiều phụ nữ nảy sinh chướng ngại về mặt tinh thần. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay tại Trung Quốc ước chừng có 95 triệu phụ nữ mắc chứng trầm cảm.
Cuộc sống thường ngày của những người mẹ mắc chứng bệnh này được con cái của họ chia sẻ rất nhiều trên Internet. Những bà mẹ dường như không có cuộc sống của riêng mình, cả đời lo toan cho gia đình, khi ở dốc bên kia của cuộc đời, họ đều đã cạn kiệt sức lực, hao mòn tinh thần, họ bất lực trong việc xây dựng 1 cuộc sống mới tốt đẹp hơn, lại càng không có cách nào chấp nhận sự thật này.
Hãy quan tâm chứng trầm cảm của các bà, các mẹ
“Hãy quan tâm chứng trầm cảm của các bà, các mẹ” là 1 chủ đề mới xuất hiện gần đây trên Douban, thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới trẻ Trung Quốc, có vô số người tại đây chia sẻ câu chuyện “vừa yêu vừa giận” giữa bản thân và mẹ ruột, cách giải quyết chung của họ trong tình huống này chính là “bỏ nhà ra đi”.
Một ngày nọ, Bối Khổ (1 người dùng Douban) phát hiện lịch sử mua hàng online của mẹ mình có rất nhiều món đồ vừa lạ vừa quen, 1 thế giới chưa từng được biết đến của mẹ mở ra trước mắt Bối Khổ: Vòng tay cây tử đàn mua cho con gái, định kỳ mua bánh mì điều vị cho chồng, nhưng áo khoác lông mà mẹ thích vĩnh viễn nằm lại trong giỏ hàng, thứ duy nhất bà mua cho mình là 1 chiếc khăn lụa màu hồng nhạt, và rồi bà dùng chính nó để treo cổ tự vẫn trong phòng tắm.
Bối Khổ viết Dạo Chơi Trong Tài Khoản Taobao Của Mẹ. Khi chia sẻ câu chuyện đau đớn ấy trên Douban, Bối Khổ mới phát hiện có rất nhiều người cũng trải qua hoàn cảnh tương tự như cô, đa số đều không đoán trước được mẹ mình sẽ bất ngờ rời bỏ nhân thế, không 1 chút phòng bị.
Ở 1 gia đình khác, 1 buổi sáng bình thường bỗng nhiên biến thành bi kịch, người mẹ tuổi xế chiều đột ngột nhảy lầu tự sát. Đối với người nhà mà nói, đây là 1 việc hoàn toàn bất ngờ xảy ra trong khoảnh khắc, nhưng chắc chắn người mẹ ấy đã âm thầm trải qua những ngày tháng dằn vặt dài đằng đẵng, không được ai thấu hiểu.
Triệu chứng đặc biệt: Sợ mất thể diện
Các chủ đề liên quan đến chứng trầm cảm tuổi trung niên trên Douban
Thời điểm mắc chứng trầm cảm rất khó xác định, bởi vì triệu chứng ban đầu của nó rất mờ nhạt. 7-8 năm trước, mẹ của Lý Tử Ngọc đột nhiên cắt đứt đường dây điện thoại trong nhà, nói có người muốn dùng điện thoại khống chế bà ấy; khi ngẫu nhiên gặp hàng xóm trên đường, bà liền cho là hàng xóm bày mưu cố ý tiếp cận bà; Lý Tử Ngọc làm rơi nhẫn trên xe của bố, bà lại có thể miêu tả được cảnh chồng mình ngoại tình vô cùng chi tiết. Người thân không ai ý thức được bà bị bệnh, liên tục trách bà nói năng bậy bạ.
Theo các số liệu công khai tại Trung Quốc, cứ 10 người mắc chứng trầm cảm giai đoạn mãn kinh thì chỉ có 2 người được tiếp cận trị liệu y khoa. Lý Tử Ngọc lờ mờ nhớ lại mẹ cô khi ấy đã dùng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe tuổi mãn kinh, cô nghĩ “có lẽ mẹ đã bị đổ mồ hôi trộm, mất ngủ, lo âu, nhưng mẹ không nói cho ai biết”.
Cách xa Bắc Kinh hơn 2.000km, tại Quảng Châu, mẹ của Vân Nhiễm ngày ngày trải qua cuộc sống thanh nhàn, cũng không có biểu hiện gì khác lạ. 6-7 năm trước, mẹ Vân Nhiễm nghỉ hưu, luôn luôn 1 mình ở nhà, mỗi ngày đều đi chăm sóc ông ngoại bị bệnh. Vân Nhiễm chưa từng nghĩ tới, sau khi ông ngoại qua đời, đối với mẹ mình ngày tháng đã trôi qua như thế nào.
Xuất phát từ mục đích bảo vệ con cái, bản thân người bệnh cũng như người lớn trong nhà đều có xu hướng giấu giếm bệnh tình. Chứng “hoang tưởng bị hại” của mẹ Lý Tử Ngọc về sau trở nên nghiêm trọng, phải đến bệnh viện tâm thần điều trị, những chuyện này Lý Tử Ngọc đều phải thông qua người khác mới được biết. Người lớn trong nhà đối với việc mẹ Lý Tử Ngọc phải điều trị tâm thần tỏ thái độ lảng tránh, mọi người đều ngầm cho rằng chứng trầm cảm là một chứng bệnh đáng xấu hổ, khiến triệu chứng “sợ mất thể diện” của bà ngày một nghiêm trọng.
Bác sĩ chuyên khoa thần kinh Vương Tuyết chia sẻ: “Nhiều người xem kết quả khám bệnh trong bệnh án đều hậm hực hỏi tôi dựa vào cái gì mà chẩn đoán họ mắc chứng trầm cảm? Tuổi càng lớn, triệu chứng “sợ mất thể diện” càng mạnh, việc này có lẽ có liên quan đến bối cảnh sống mang tính thời đại của bệnh nhân, thời ấy bị bệnh tâm thần là 1 cái ô danh không ai muốn mang, họ đều nghĩ mình lớn tuổi như vậy mà lại mắc bệnh tâm thần, rất mất mặt.”
“Sợ mất thể diện” càng khiến cho các bà, các mẹ giấu nhẹm bệnh tình của mình, thà bị bệnh, thà đau đớn, mệt mỏi cũng không chịu mang cái danh “bị bệnh tâm thần”.
Tháng 9/2020, 1 cư dân mạng có nickname Không Còn Masaki tại Douban chia sẻ: “Có 1 ngày tôi gửi tin nhắn cho mẹ nhưng bà ấy không trả lời, ngay sáng hôm ấy, mẹ tôi nhảy cầu tự sát. Bà ấy nhất định đã trải qua nhiều đau đớn, tại sao khi ấy tôi lại không cùng mẹ đến bệnh viện cơ chứ?” Chứng trầm cảm đã hiện nguyên hình là 1 “sát thủ ẩn mình” chỉ chờ thời cơ cướp đi sinh mạng của phụ nữ trung niên.
“Nữ cường nhân” gục ngã
Lưu Linh – 1 cô gái trẻ ở Thẩm Dương (Trung Quốc) – vì lo lắng cho sức khỏe của mẹ nên đã tìm cách lừa bà đến khoa thần kinh khám bệnh. 10 năm qua mẹ của Lưu Linh nhìn cái gì cũng không thuận mắt, thường trực trên miệng bà là những lời trách móc nặng nhẹ. Tổng kiểm tra sức khỏe 1 phen cũng không phát hiện ra mẹ Lưu Linh mắc bệnh gì, bác sĩ bèn gợi ý bà đến khoa thần kinh khám, bà liền tức giận quát lại bác sĩ: “Không thể có chuyện đó!”
Cuối cùng, khi bác sĩ khoa thần kinh hỏi: “Cuộc sống ngày thường của dì có điều gì tủi thân không?”, Lưu Linh bất giác quay lại nhìn mẹ mình thì thấy bà nước mắt không ngừng chảy. Bà ấy mạnh mẽ cả 1 đời, lại bởi vì 1 câu hỏi thăm mà rơi lệ.
Rất nhiều người mẹ mang bệnh trong người, từng là người hoàn mỹ trong mắt người khác. Nhiều ông chồng cho rằng chứng trầm cảm chính là “suy nghĩ nhiều”, là “giả vờ” mà thôi. Bác sĩ Vương Tuyết từng có 1 bệnh nhân 53 tuổi, bệnh nặng đến nỗi không đứng dậy nổi, nhưng chồng bà lại một mực cho rằng vợ mình giả bệnh để trốn việc. Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ dặn không được kích thích bà ấy, nhưng lúc vợ chồng xung đội, chồng bà vẫn chỉ mặt bà mắng: “Đồ thần kinh!”
Phụ nữ kỳ thực không có cuộc sống của riêng mình, cả đời lo toan cho chồng con, khi cuộc sống không như ý lại không có cách nào thay đổi nó, càng không có cách nào chấp nhận sự bất lực của mình trước hiện thực cuộc sống. Những người mẹ mạnh mẽ thường khiến cho người ta xem nhẹ mặt dịu dàng, yếu đuối của họ.
Chữa tâm bệnh: Tưởng dễ mà lại khó
Chứng trầm cảm như 1 hố đen, không chỉ cuốn người bệnh vào mà còn nuốt trọn những người xung quanh. Trên Internet có không ít bài đăng kể về nỗi khổ sở của những người con có mẹ mắc chứng trầm cảm, họ thường đem cảm xúc của mình áp đặt lên con cái, cảm xúc của những người mắc chứng trầm cảm thường rất tiêu cực, khiến con của họ cũng dần trở nên mất tự tin. Lâm Lục – 1 cô gái trẻ có mẹ mắc chứng trầm cảm – nhiều lúc rơi vào quẫn bách, đau đớn thốt lên: “Nếu bà ấy chết thì cả nhà được giải thoát rồi!”
Lúc mẹ lâm bệnh cũng là lúc các con đang trong giai đoạn quan trọng trong phát triển sự nghiệp, áp lực công việc cũng như áp lực kinh tế đè nặng, lại càng không có thời gian quan tâm đúng mực tới cha mẹ. Trong khi đó, nhiều bà mẹ mắc chứng trầm cảm lại cho rằng bản thân chỉ là mất ngủ, mệt mỏi dẫn đến cảm xúc thất thường, không thừa nhận mình bị bệnh liên quan đến thần kinh. Có người tự ý bỏ uống thuốc, bỏ trị liệu, khiến con cái họ cảm thấy không yên tâm và mệt mỏi.
Chứng trầm cảm trên phương diện nào đó là tâm bệnh, phản ánh rõ đời sống tinh thần của phụ nữ hiện nay còn chưa nhận được sự quan tâm của xã hội. Điều quan trọng hơn cả là trong giai đoạn tâm sinh lý biến đổi mạnh mẽ, họ cần có người thân, bạn bè ở bên cạnh chia sẻ và thấu hiểu.
Nguồn: Sohu