Hạ đường huyết là tình trạng phổ biến ở những người bệnh tiểu đường và gây nhiều rủi ro cho người bệnh. Nó rất dễ bị nhầm lẫn với hạ canxi vì có một vài điểm chung về triệu chứng như tay chân run, mệt mỏi, co giật… Từ đó dẫn đến việc điều trị sai cách, khiến hạ đường huyết và hạ canxi huyết ngày càng nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Vậy làm sao để người bệnh tiểu đường và những người khác phân biệt được hạ canxi và tụt đường huyết? Lời giải đáp sẽ được bật mí trong bài viết sau đây, hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!
Cùng tìm hiểu hạ đường huyết và hạ canxi là gì?
Điều đầu tiên giúp bạn phân biệt được hạ đường huyết và hạ canxi chính là hiểu rõ về bản chất của hai tình trạng này.
Thế nào là tụt đường huyết?
Hạ đường huyết là một biến chứng xuất hiện phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường. Đây là tình trạng mà lượng đường trong máu người bệnh bị hạ xuống mức thấp hơn bình thường.
Tụt đường huyết được xem là nhẹ nếu chỉ số đường huyết ở mức từ 55 – 69 mg/dL. Tuy nhiên, nếu đường huyết giảm xuống dưới 55 mg/dL, đây là tình trạng rất nghiêm trọng và có thể gây nên nhiều biến chứng nặng như co giật và hôn mê.
Tình trạng tụt đường huyết thường xảy ra khi hai hormone điều chỉnh đường huyết là insulin và glucagon thiếu cân bằng. “Thủ phạm” của vấn đề này có thể kể đến là:
- Ăn kiêng quá đà, ăn trễ hoặc thường xuyên bỏ bữa
- Bệnh nhân tiểu đường dùng quá nhiều insulin hoặc các thuốc tiểu đường khác
- Tập thể dục quá mức
- Uống nhiều bia rượu
Tụt canxi là gì?
Hạ canxi xảy ra khi nồng độ canxi toàn phần trong huyết thanh thấp hơn mức 8,8 mg/dL nhưng protein huyết tương vẫn bình thường, hoặc hàm lượng canxi ion hoá bão hoà trong máu ở dưới mức 4,7 mg/dL.
Nguyên nhân phổ biến dẫn đến tụt canxi máu là suy tuyến cận giáp, khiến lượng hormone tuyến cận giáp được tiết ra ít hơn lượng trung bình. Mức hormone tuyến cận giáp thấp sẽ khiến mức canxi trong cơ thể cũng xuống thấp.
Suy tuyến cận giáp còn có thể do di truyền, biến chứng sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp hoặc bệnh ung thư ở đầu và cổ. Ngoài ra còn có một vài nguyên nhân khác khiến bạn bị tụt canxi, chẳng hạn như:
- Chế độ ăn uống không cung cấp đủ canxi hoặc vitamin D
- Bị nhiễm trùng
- Căng thẳng, lo lắng
- Bị bệnh thận
- Do ung thư đang lan rộng
- Mức magie hoặc phosphate trong cơ thể không ổn định; truyền phosphat hoặc canxi từ ngoài vào
- Bị tiêu chảy, táo bón hoặc một số bệnh rối loạn đường ruột khiến việc hấp thụ canxi của cơ thể bị hạn chế
- Bệnh nhi có mẹ bị tiểu đường
- Tác dụng phụ của một số thuốc như rifampin, phenytoin và phenobarbital
- Vận động thể chất quá mức.
Phân biệt giữa hạ đường huyết và hạ canxi như thế nào?
Vì hạ đường huyết và hạ canxi huyết khác nhau về bản chất nên có thể đo chỉ số đường huyết và chỉ số canxi huyết để biết người bệnh đang gặp phải tình trạng nào. Tuy nhiên, dựa vào triệu chứng vẫn hoàn toàn phân biệt giữa hạ đường huyết và hạ canxi. Trong đó, mỗi tình trạng sẽ bao gồm các dấu hiệu nhận biết như sau:
Triệu chứng hạ canxi là gì?
Một số người sẽ không xuất hiện bất kỳ triệu chứng tụt canxi nào. Song, phần lớn người bị tình trạng này sẽ có các biểu hiện như sau:
- Co thắt hoặc cứng cơ bắp
- Hạ huyết áp
- Mệt mỏi
- Gặp vấn đề về trí nhớ
- Tâm trạng thay đổi thất thường, dễ lo âu, khó chịu, bồn chồn
- Khó nói, khó nuốt
- Run tay chân
- Có cảm giác châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân hoặc dị cảm
Tụt canxi nặng có thể gây co giật, rối loạn nhịp tim, co thắt thanh quản, suy tim.
Bên cạnh đó, nếu hạ canxi nhẹ nhưng kéo dài sẽ có biểu hiện:
- Da khô
- Móng tay trở nên dễ gãy
- Gặp phải chứng mất trí nhớ
- Bị sỏi thận hoặc lắng đọng canxi ở một vị trí nào đó trong cơ thể
- Đục thuỷ tinh thể
- Chàm
Triệu chứng hạ đường huyết
Một số biểu hiện phổ biến của tụt đường huyết như:
- Run rẩy, bồn chồn, lo lắng, hoặc hoang mang
- Đói
- Chóng mặt, đổ mồ hôi
- Đau đầu
- Buồn nôn và nôn mửa
- Ngứa ran hoặc tê môi, lưỡi hoặc má
- Tim đập nhanh
- Dạ nhợt nhạt
Trong một số trường hợp nặng, hạ đường huyết sẽ có một số dấu hiệu như:
- Lú lẫn hoặc xuất hiện các hành vi bất thường
- Rối loạn thị giác như mờ mắt, nhìn đôi
- Co giật
- Mất ý thức
- Ngất xỉu, hôn mê
Có thể thấy hạ đường huyết và tụt canxi khác nhau ở chỗ hạ đường huyết có biểu hiện đói, đổ mồ hôi, buồn nôn, nôn; chân tay sẽ run nhưng không co quắp. Trong trường hợp nặng, người bị hạ đường huyết có thể ngất xỉu, hôn mê biểu hiện này không có ở người bị tụt canxi máu.
Nên làm gì khi bị hạ đường huyết hoặc tụt canxi?
Qua những thông tin trên, có thể thấy rằng hạ đường huyết và hạ canxi có bản chất và nguyên nhân khác nhau. Vì vậy mà mỗi trường hợp sẽ có hướng xử lý khác nhau.
Đối với tình trạng tụt canxi
Hạ canxi cần được điều trị bằng cách bổ sung canxi nhanh chóng. Nếu nhẹ, bệnh nhân được dùng canxi đường uống, còn nặng phải truyền dịch sau đó mới chuyển sang đường uống.
Bên cạnh đó, cần phải tìm ra nguyên nhân và điều trị để tránh tình trạng tụt canxi tái phát. Chẳng hạn như nếu bạn không bổ sung đủ canxi hoặc vitamin D thì điều chỉnh chế độ ăn uống là điều đầu tiên bạn cần làm.
Nếu bạn dùng thuốc và dẫn đến tụt canxi, hãy báo với bác sĩ để được điều chỉnh liều lượng hoặc đổi sang một loại thuốc khác…
Đối với tình trạng hạ đường huyết
Trong trường hợp chỉ số đường huyết dao động từ 55 – 69 mg/dL, người bệnh có thể áp dụng cách điều trị hạ đường huyết tại nhà theo quy tắc 15-15 như sau:
Bổ sung 15g carbs và kiểm tra lại lượng đường trong cơ thể sau 15 phút bằng một số món như:
- 1 ly sữa
- 1 nửa ly nước trái cây hoặc soda thông thường
- 1 muỗng đường, mật ong hoặc siro
- Kẹo cứng, kẹo dẻo hoặc kẹo cao su (cần xem kỹ lượng đường có chứa trong đó ở trên nhãn thực phẩm)
- 2 – 3 viên glucose (cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng)
Nếu chỉ số vẫn thấp thì tiếp tục thực hiện cách này cho đến khi đạt trên 70 mg/dL. Sau khi đã ổn định lại lượng đường trong máu, người bệnh nên tiếp tục dùng thêm bữa ăn nhẹ hoặc bữa chính để đảm bảo tụt đường huyết không tái phát.
Đối với tình trạng tụt đường huyết nghiêm trọng (dưới 55 mg/dL), người bệnh cần được tiêm glucagon nếu có sẵn hoặc đưa đến bệnh viện để được chăm sóc y tế kịp thời.
Trên đây là một số thông tin giúp bạn phân biệt giữa hạ đường huyết và hạ canxi. Dựa vào đó, bạn có thể xác định chính xác tình trạng sức khỏe của mình để áp dụng đúng phương pháp điều trị.