Đây là những hành vi xấu ở trẻ nhỏ mà bố mẹ nên kịp thời can thiệp và uốn nắn để góp phần giúp con trẻ hình thành những thói quen và tính cách tốt đẹp sau này.
Việc nuôi dạy con cái chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với các bậc cha mẹ. Cần rất nhiều nỗ lực và thời gian để đảm bảo rằng một đứa trẻ có thể cư xử đúng mực, được giáo dục đầy đủ và thích ứng tốt với cuộc sống xung quanh.
Một trong những vấn đề mà mọi phụ huynh cần lưu tâm đó là các hành vi xấu ở con trẻ. Nếu không được kịp thời uốn nắn, chúng sẽ dễ dàng phát triển thành thói hư tật xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách của trẻ em sau này.
Giữ im lặng khi chứng kiến việc xấu
Bố mẹ cần giải thích cho con trẻ thấu hiểu sự khác biệt giữa việc trở thành một kẻ nói xấu, là một người cảnh giác và trở nên tận tâm. Bên cạnh đó, người lớn cũng nên bình tĩnh lắng nghe con cái và không vội vàng phán xét. Sau khi đã nắm vấn đề, phụ huynh có thể giúp con hiểu rõ tình huống hơn, từ đó cùng đưa ra cách giải quyết hợp lý.
Đố kỵ, ganh đua với anh chị em
Bố mẹ nên tìm hiểu kỹ càng để phát hiện gốc rễ của vấn đề, đảm bảo rằng các con không gây tổn thương nhau cả về thể chất lẫn tinh thần. Hãy chủ động trong việc gắn kết con trẻ, giúp chúng cảm thấy mình và các anh chị em đều chung “một đội”, từ đó cùng giải quyết xung đột một cách công bằng. Người lớn nên dạy con trẻ tầm quan trọng của việc tôn trọng cảm xúc riêng của nhau. Việc cố gắng dành thời gian cho con cái sẽ giúp bố mẹ vun đắp cho mối quan hệ thân ái giữa các thành viên trong gia đình.
Trộm vặt
Việc giữ bình tĩnh khi phát hiện tật xấu này là rất quan trọng. Nếu đứa trẻ chỉ mới lấy trộm lần đầu tiên, bố mẹ cần tìm hiểu động cơ của con và giải thích rõ để con hiểu bản chất xấu của hành động đó. Tiếp theo, hãy khuyên bảo con hoàn trả vật đã lấy trộm và chân thành xin lỗi chủ nhân món đồ. Trong trường hợp con trẻ có xu hướng lặp lại việc trộm cắp, phụ huynh nên tìm đến trợ giúp ở chuyên gia tâm lý nhằm tránh để hành vi này phát triển thành thói xấu khó bỏ.
Không tôn trọng người xung quanh
Phụ huynh cần chú tâm tìm kiếm nguyên nhân đằng sau hành vi này. Hãy dạy con cách đúng đắn để thể hiện cảm xúc và mong muốn. Trẻ em cần học cách giữ bình tĩnh và lắng nghe người xung quanh. Nếu đứa trẻ liên tục tỏ ra xấc xược, bố mẹ có thể cân nhắc “cắt bỏ” những quyền lợi hay nuông chiều thông thường để cảnh cáo.
Thiếu trung thực
Người lớn cần từ tốn và không nên tỏ ra cáu bẳn. Cách xử lý vấn đề tốt hơn là giải thích để trẻ nhỏ hiểu được ý nghĩa của sự thành thật và tin tưởng trong các mối quan hệ. Bố mẹ cũng có thể nghĩ đến một “hình phạt” nhẹ nhàng nào đó để giúp con ghi nhớ rằng việc nói dối là không thể chấp nhận. Nếu việc nói dối diễn ra nhiều lần, đây có thể là dấu hiệu của vấn đề sâu xa khác. Trong tình huống này, phụ huynh có thể cần đến sự trợ giúp của chuyên gia.
Rên rỉ, khóc quấy
Trong trường hợp này, phụ huynh nên giữ biểu cảm tự nhiên, không gắt gỏng, đồng thời nhắc nhở con trẻ bằng giọng nói bình thường, không nóng giận. Nếu đứa trẻ luôn liên tục rên rỉ, bố mẹ nên xem xét thấu đáo để tìm xem đâu là vấn đề trong mối quan hệ giữa mình và con trẻ. Việc trò chuyện giữa hai phía có thể giúp đứa trẻ nhận thức rõ hơn về việc mình là một phần trong gia đình.
Cư xử thô lỗ
Bố mẹ không nên tạo áp lực quá lớn cho con khi dạy dỗ về cách cư xử. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc nhắc nhở con trẻ chú ý, để tâm đến người khác. Điều quan trọng là những người đã trưởng thành trong gia đình phải cư xử đúng mực, bởi trẻ em sẽ học tập và làm theo những gì chúng nhìn thấy.
Theo vtv.vn
CURVES – CLB THỂ DỤC 30 PHÚT DÀNH CHO PHỤ NỮ Hệ thống CLB Curves: https://curvesvietnam.com.vn/he-thong-clb để đặt lịch hẹn tham quan câu lạc bộ và phân tích vóc dáng cơ thể miễn phí. |